Phần 2.
Cây thần buông tha cho ý định đuổi bà lão đi,
hoặc nói: Nó chẳng có nhiều lá để trút xuống đầu bà hết ngày này qua ngày khác.
Thôi kệ, dẫu sao sức của bà lão chỉ đủ làm tróc vài lớp vỏ mục bên ngoài của nó
thôi.
Cứ như vậy, bà lão với cây rìu bước vào cuộc
sống của nó như một điều hiển nhiên phải thế. Bà khiến nó nhớ lại quãng thời
gian khi con bé vẫn còn vui chơi nhảy nhót kề bên. Hóa ra là nó cô đơn.
Cây thần lưu luyến nhiều lắm cảm giác có ai đó
nói cười bên cạnh, trước đây là bé con kia, bây giờ là bà lão. Ngày ấy con bé
đi mất, nó đã buồn thật lâu. Trong ngàn năm nó sống cũng từng chứng kiến nghìn
vạn sinh linh bước vào luân hồi. Nhưng dẫu cho nhiều sinh linh như thế cũng
chẳng ai, chẳng loài nào để ý đến nó chứ đừng nói ở bên bầu bạn. Đơn giản vì nó
chỉ là một cái cây. Bà lão và con bé thì khác. Có lẽ nó sẽ không cảm thấy gì
đâu nếu họ chưa từng xuất hiện. Nhân sinh ấy mà, mấy ai đã nếm được chút ngọt
ngào lại chịu quay về thời điểm đắng cay
Nó muốn được nhìn thấy bà thật nhiều, ở bên bà
thật lâu, cho tới tận khi đất trời sụp đổ cũng được. Nó muốn nói một câu cảm ơn
chẳng vì gì cả, có lẽ chỉ là để giảm đi cảm giác tội lỗi khi dọa con bé sợ hãi
bỏ chạy năm xưa. Vì thế, sau mấy nghìn năm cây thần lần đầu tiên suy nghĩ đến
chuyện hóa hình.
Khi nó bắt tay thu thập mộc nguyên tố vào mộc
cốt, chuẩn bị nặn nhân hình mới biết, hóa ra linh lực của mình mênh mông đến
thế, hơn nữa linh khí khắp nơi chẳng hiểu sao cứ cuộn cuộn như thác lũ hướng
trong thân nó mà tụ về. Thật vui mừng, vậy thì việc nó hóa hình chỉ là chuyện
sớm muộn.
* * *
Vài tháng sau, vào đêm trăng tròn trên cánh
đồng ở nơi nào đó, hào quang của ánh trăng chiếu xuống bao phủ toàn bộ một gốc
đại thụ to lớn sừng sững. Đại thụ tắm trong ánh trăng cành lá bắt đầu rung lên
toàn thân phát sáng chói mắt. Từ trong ánh sáng đó bước ra một nhân ảnh. Cây
thần đã độ kiếp thành công trở thành Tiên thụ.
Tiên thụ ngắm nhìn thân thể vừa mới hóa hình
của mình rất lâu. Thế mà lại là nam nhân. Thôi thì, tính hướng với một cái cây
cũng không quan trọng gì, anh quyết định không quan tâm đến nữa. Bây giờ, anh
cảm thấy hưng phấn vô cùng. Ngày mai thôi, ngay khi trời chưa sáng, khi mà bà
cụ vác cái rìu mẻ, lộc cộc chống gậy bước trên đường làng tới đây, anh sẽ mang
tất cả sự hưng phấn của lần đầu hóa hình tới gặp bà.
Anh đợi bà dưới gốc cây của mình. Lần đầu tiên
nhìn bà bằng đôi mắt con người, anh mới thấy rõ, bà già đến mức nào. Làn da
nhăn nheo xạm màu với các khớp xương lồi ra, gương mặt chảy xệ, hai bọng mắt
sưng to thâm quầng, miệng móm mém đã chẳng còn nổi mấy cái răng. Một tay chống
gậy, tay kia vẫn cầm cây rìu mẻ.
Anh vui mừng bước ra từ trong đám rễ sần sùi
nở nụ cười tươi nhất, rực rỡ nhất với bà như một lời chào hỏi. Bà lão nhìn
thoáng qua "hình dáng con người" của anh rồi dừng lại, cánh tay cầm
rìu có chút run run. Chỉ một lát bà quay đầu chạy thẳng, dù thân thể già nua
bước đi không vững, anh vẫn có thể cảm nhận được bà đang chạy, vội vội vàng
vàng mà chạy.
Anh tuyệt vọng ngồi thụp xuống, vùi mặt vào
đầu gối. Chẳng lẽ anh lại dọa bà sợ, giống như năm đó anh dọa bé con sợ bỏ đi.
Thật thất bại thật thảm hại, có khi nào số kiếp của anh là vĩnh viễn cô đơn,
một người bạn cũng không có.
Nhưng mà, anh buồn chưa bao lâu lại nghe tiếng
lộc cộc của gậy tre quen thuộc. Bào lão lật đật chạy lại nhanh như cách bà chạy
đi, cái rìu mẻ đã không thấy, thay vào đó trên tay có thêm manh áo. Bà phủ manh
áo lên người anh, giọng nói khàn khàn pha chút kinh hãi:
- Cậu trai à, con cái nhà ai sao không mặc
quần áo, để tồng ngồng như thế mà chạy ra đường à?
Anh nhìn xuống thân thể trắng nõn của mình xấu
hổ. Ừ, anh quên mất đấy.
* * *
Từ ngày đó, Bà lão không còn cầm rìu đi chặt
cây nữa. Bà vẫn ngồi ở đầu làng, vẫn giành cả ngày tựa lưng vào đám rễ sần sùi
của cây cổ thụ mà ngắm nhìn thôn dân qua lại. Chỉ khác là, bên cạnh bà lão có
thêm một chàng trai.
Thôn dân bàn tán rất nhiều về lai lịch của
chàng trai đó. Có người nói, anh là người ngớ ngẩn. Bởi lẽ, cũng giống như bà,
anh cũng ngồi dưới gốc cây cả ngày mà chẳng làm gì cả. Nếu một bà lão ngày nào
cũng ngồi dưới gốc cây ngắm cảnh, người ta chỉ cho là lão nông nhàn tản tuổi
già, còn thanh niên sức dài vai rộng mà làm thế, tám phần không phải phường
lười nhác cũng là tên ngớ ngẩn.
Có người lại nói, có lẽ anh là người thân
phương xa của bà, tới đây chăm sóc bà hoặc đón bà về nhà.
Nhưng mà, họ cũng chưa thấy anh chăm sóc bà
ngày nào, càng chẳng thấy anh đón bà đi. Có chăng, anh chỉ ngồi đó, cười ngốc
mà nhìn bà.
"Này cậu trai, tuy ta đã già nhưng ta
cũng từng là cô gái. Cậu nhìn ta mãi thế, ta thật ngại ngùng" Bà lão ái
ngại nói với chàng trai ngồi bên cạnh mình suốt mấy ngày qua.
Vẫn giữ gương mặt tươi cười, anh bê chén nước
con đưa tới mời bà.
"Không sao không sao, rồi sẽ quen thôi,
rồi sẽ quen thôi".
Bà chống tay đỡ lấy cái trán nhăn nheo nheo
của mình, cảm thấy bất lực.
"Cậu trai à, dẫu cho ta không biết lý do
gì khiến cậu bám theo ta gần cả tháng nay. Nhưng mà. Cậu không có việc gì để
làm sao?"
"Có chứ".
"Việc gì".
"Việc của ta là mãi mãi ở bên cạnh
bà".
Đôi mắt bà lão thoáng qua một tia ấm áp rồi
vụt tắt.
"Cậu trai à, cuộc sống của cậu vừa mới
bắt đầu thôi, còn ta chỉ là một cụ già sắp chết. Thay vì ngồi ngốc bên ta, cậu
hãy đi ra nhìn ngắm thế giới đi. Đất trời này rộng lớn lắm, có núi có sông, có
chim muông cây cỏ, có cả những chuyện ly kỳ. Hãy đi đi mà trải nghiệm".
"Bà từng đến những nơi đó sao?"
"Đúng vậy, ta từng thấy làng mạc trù phú,
khói bếp lững lờ mỗi trời chiều. Từng thấy phố phường đông đúc người qua lại,
hội đèn hoa sáng rực trên sông. Từng thấy thác cao chạm tầng mây, nước đổ như
từ trên trời rót xuống, từng thấy thuyền bè ngược xuôi tấp nập, mỗi con thuyền
chở đầy cá tôm."
"Vậy tại sao bà dừng chân chốn này, ngày
ngày tốn sức chặt một cái cây?"
Bà nhìn anh nghi hoặc. Anh giật mình nhớ lại,
trước nay bà chặt cây đều là lúc không ai hay biết, đành biện bạch.
"Ta ở đây quan sát bà đã nhiều ngày. Có
thể bà không nhìn thấy ta, nhưng mọi việc bà làm ta đều biết."
Bà cuối đầu nghiềm ngẫm rồi dùng lời chân
thành nhất nói với anh.
"Lão đây chặt cây cũng lâu rồi, là vì
muốn kiếm một cỗ quan tài hậu táng mà thôi". Bà chống gậy đứng dậy dùng
bàn tay xương xẩu chạm vào thân cây. "Ta đã sống thật lâu, đi được nhiều
nơi nhưng tri kỷ vẫn chẳng có ai, người thân cũng chết hết. Cho tới lúc gần đất
xa trời mới quay về chốn cũ. Cái cây này mọc ở đây đã lâu, thiết nghĩ chắc cũng
cô đơn lắm, cho nên mới muốn chặt nó làm thành quan tài coi như cùng nhau bầu
bạn. Nhưng mà.. ta chặt mãi nó cũng không đổ, có lẽ nó không muốn cùng ta sang
thế giới bên kia, hay do ta chặt cây mà chưa hỏi ý nó".
"Đúng rồi. Cây thần.. Ngài có nguyện ý
hay không?"
* * *
Mấy ngày rồi nơi đây thật yên tĩnh, yên tĩnh
đến kỳ lạ. Dẫu cho vẫn có vài người đi chợ ngang qua, vẫn có vài đứa con nít
chạy chơi loanh quanh thả diều bắt bướm trên đường làng gần đó. Nhưng dưới gốc
chẳng còn bà cụ, cũng không thấy cậu trai trẻ kia đâu. Căn nhà tranh bà ở tạm
cũng chốt từ ngoài cổng. Thôn dân bảo nhau, có lẽ cậu trai kia đã đón bà về nhà
phụng dưỡng. Bà tới thôn này đã mấy năm, vẫn luôn một mình một bóng. Bà lại
hiền từ, còn dạy cho lũ trẻ trong thôn biết văn biết chữ, nay có người đón đi
chăm sóc, ai cũng mừng cho bà nói bà tốt phước. Nhưng sự thật là, bà lão đi đâu
thì không rõ, còn cậu trai trẻ kia đang trốn trong thân cây ân hận.
Rất lâu sau này, khi kể lại cho chúng yêu nghe
câu chuyện về bà lão, có một con yêu từng hỏi anh: Lúc đó, anh đã trả lời thế
nào?
Anh không trả lời. Điều mà một cái cây không
muốn nhất đó là bị chặt đi đóng quan tài. Không đơn giải chỉ là kết thúc kiếp
làm cây, cái cảm giác có một thân xác trong lòng mình ngày qua ngày dần thối
nát, mục rữa, giòi bọ lúc nhúc bò ngổn ngang mấy ai chịu thấu. Anh từng hứa ở
bên bà đến tận khi đất trời sụp đổ, nhưng cách ở bên thế này vẫn thật khó chấp
nhận. Thêm nữa, anh đã là tiên thụ dao búa bình thường khó bề chặt đổ, muốn tự
luyện hóa chính mình thành quan tài anh lại không đủ dũng khí. Cho nên, anh im
lặng.
Anh còn nhớ hôm đó. Lúc quay về, bà không
chống gậy, tấm lưng còng vì cố gắng đứng thẳng mà run rẩy còn bàn tay bà thì
nhỏ máu. Nhiều lắm. Máu chảy thành một vệt dài gai mắt trên đường làng cho tới
khi không nhìn thấy. Anh cứ ngẩn ngơ nhìn, từ lúc bà đi cho đến tận sáng hôm
sau mới chui vào thân cây. Anh càng nghĩ càng hối hận. Sao lúc đó không giữ bà
lại, hoặc nói với bà vài câu, câu gì cũng được.. lại cứ để bà cô đơn quay về
như thế. Mấy ngày tiếp theo bà không đến nữa sự ân hận của anh càng nhiều,
nhưng chưa phải nhiều nhất. Không lâu sau có một việc sảy ra khiến cho anh cảm
thấy có lẽ lần hối hận đầu tiên này cũng là lần anh hối hận nhất trong suốt
sinh kiếp của mình, trở thành chấp niệm mãi mãi không tan được trong lòng anh.
Bà cụ chết.
Nhận xét
Đăng nhận xét