New Posts

Chương 18: Kế mẫu (Câu chuyện về cửu phách của Thần đế)

 

Chương 18: Kế mẫu

“Nghe nói hôm nay lão Trần lấy vợ mới.”

“Hơn sáu mươi tuổi rồi còn lấy vợ mới, nhà nào không có mắt nhìn lại chịu gả con gái cho lão thế.”

“Ài, con gái nhà nào đâu. Lão ấy lên trấn trên nhặt được một đứa ăn mày, chắc tầm mười tuổi thôi. Thế là dắt về làm vợ.”

“Mười tuổi á. Đợi lúc con bé lớn chắc lão ta cũng sắp chết rồi.”

Cả làng bàn tán xôn xao về mối hôn sự oái oăm của ông già gần bảy mươi với đứa bé mới mười tuổi.

 Lão Trần nhà nghèo nhất thôn, ruộng cũng ít nhất, vậy nên gần năm mươi tuổi vẫn chưa lấy được vợ. Người vợ đầu tiên của lão cũng được nhặt về từ đám ăn mày. Người vợ này ở với lão mười mấy năm sinh cho lão tận năm người con, đến đứa cuối cùng thì khó sinh mà chết. Ruộng chỉ có vài sào, căn bản không đủ ăn, lão phải đi làm công trên trấn để kiếm đồng ra đồng vào. Giờ vợ chết rồi, con cái một lũ nheo nhóc, lão không đi làm công được. Lúa gạo thì sắp hết, ruộng vườn không ai chăm nom, nhà lão càng ngày càng khánh kiệt. Dân làng trêu chọc khuyên lão tìm vợ để chăm nhà chăm cửa. Đùa vui thế thôi chứ người ta thừa biết, chả ai chịu lấy ông già như lão cả. Thế nào lão lại tin thật cũng đi tìm vợ thật nhưng hiềm nỗi cô vợ này mới hơn mười tuổi.

Hôm đầu tiên dẫn con bé về lão đã nói thẳng.

“Con à, nhà ta chả khá giả gì. Vợ ta mới chết, ta còn năm đứa con thơ. Nếu con đồng ý làm vợ ta thì ở lại, ít nhất con sẽ có cơm để ăn có nhà để ngủ. Nhược bằng không đồng ý,  con cứ lên trấn làm ăn mày tiếp thôi.”

Con bé im lặng gật đầu. Lão Trần đặt cho nó cái tên Liên Chi, ngày hôm sau ông với nó bái trời đất qua loa rồi  ông lên trấn đi làm. Đợi lão Trần đi xa tít tận đầu thôn, con bé mới mệt mỏi ngồi bệt xuống hè. Bất tri bất giác nó đã có chồng. Tuy mới hơn mười tuổi nhưng lăn lộn giang hồ bao năm nó thừa hiểu làm vợ người ta nghĩa là gì. Nó cũng biết mục đích lão Trần lấy nó là muốn dùng danh xưng kế mẫu cột chặt trách nhiệm nuôi nấng đàn con nheo nhóc của lão lên người nó chứ chả yêu thương tội nghiệp gì nó cả. Nhưng lão nói đúng, ở đây ít nhất nó có cơm ăn, không phải chịu đói chịu rét nữa.

Nó đứng dậy, cầm chổi chuẩn bị quét sân, lại thấy đứa con trai cả của lão Trần đang nhìn trộm mình qua khe cửa. Nó nhẻo miệng cười làm thân, thằng bé  lườm nó một cái không nói không rằng đóng sầm cửa lại. Thằng bé tên Diệu Trai cũng trạc tuổi nó. Hôm qua khi lão Trần gọi ra chào kế mẫu, thằng bé đã hậm hực lắm rồi. Dẫu gì mẹ nó mới mất chưa lâu, nay phải gọi một đứa ngang tuổi mình là kế mẫu, tâm lý đứa trẻ nào cũng không chịu được. Nó mặc kệ thằng bé mà bắt đầu quét sân, quét xong lại đi gom củi chất vào góc bếp sau mới ra vườn hái chút rau cỏ chuẩn bị cơm trưa.

“Mẹ nhỏ đang làm gì thế?”

Đứa con gái thứ hai mới ngủ dậy, ló cái đầu xù như tổ quạ qua khe cửa, dụi dụi mắt hỏi nó. Nó nghe con bé gọi mình là mẹ nhỏ hơi bất ngờ, cười cười ve vẩy nắm rau mình mới hái cho con bé xem.

“Mẹ nhỏ hái rau, chút nữa sẽ nấu bữa trưa cho con.”

“Ấy, cây này là cỏ, không ăn được đâu.”

Nhìn thấy nắm lá trong tay nó, con bé chạy lại hồn nhiên nói. Nó xấu hổ mâm mê đám lá trong tay. Từ khi bắt đầu có nhận thức, nó đã là ăn mày. Nó không biết mình đến từ đâu hay cha mẹ là ai. Ngày này qua tháng khác nó bò lê khắp chốn, học ăn mày xin cơm học ăn mày cách nói chuyện, đói thì cây cỏ sỏi đá cũng bỏ vào miệng. Ngoài vài lần được người ta ném cho chút cơm thừa canh cạn, hầu như nó toàn ăn bậy ăn bạ để sống miễn là no bụng nào có phân biệt rau dưa gì. Nó chưa từng được ai chỉ dạy, chỉ nhìn người ta mà bắt chước lại, hóa ra mấy thứ lá cây nó xem như nguồn sống hằng ngày chỉ là cỏ dại trong mắt người thường mà thôi.

“Mẹ nhỏ mới về, chưa biết, con chỉ cho mẹ được không?”

 Liên Chi bỏ đi nắm lá trong tay, kéo con bé con xuống ngồi cạnh mình nói thầm. Con bé nghe thế hào hứng gật đầu, tỉ mỉ dạy nó nhận biết từng loại cây một. Hai đứa trẻ hái rau trong vườn cười tíu tít, thỉnh thoảng đùa nghịch ném cỏ ném rác lên đầu nhau không khác gì bạn đồng lứa chứ chẳng giống mẹ con.

Nghe tiếng cười nói thằng cả đang bế em ló đầu ra, nhìn em chưa gì đã thân thiết với con bé được gọi là kế mẫu kia sao mà ngứa mắt thế không biết. Chập tối qua, lúc cha nó dẫn Liên Chi về nó đang đi xin cữ sữa chiều cho thằng út, nghe tiếng người làng kháo nhau cha nó lấy vợ nó liền hộc tốc chạy về nhà. Khi đó, con    bé kia đang đứng trong sân như cái nùi giẻ, bốc mùi và bẩn thỉu. Nhưng đôi mắt

“Đình, thằng Văn dậy rồi, cầm bát đi xin sữa cho em.”

Thằng cả lớn tiếng quát, Con Đình giật mình dúi nắm ra trong tay cho Liên Chi rồi vâng dạ chạy đi không quên vẫy tay tạm biệt nó. Nó nhìn thằng cả hai tay bế hai đứa sinh đôi hằn học đứng ở cửa lòng hơi thấy thương. Trong nhà ngoài thằng cả tầm tuổi Liên Chi, mấy đứa còn lại đều còn nhỏ cả. Đứa con gái thứ hai mới năm tuổi, hai đứa sinh đôi chưa đầy hai tuổi với thằng út mới đẻ thành ra từ việc nhà đến chăm em, thằng cả phải làm tất. Thằng út  mới được vài tháng, không có sữa mẹ nên mỗi ngày đều phải mang bát đi xin sữa của mấy người nuôi con nhỏ trong vùng. Hôm nào không xin được chỉ đành cho uống nước cơm khiến thằng út ngày càng gầy gò ốm yếu.. Thằng út mất mẹ từ khi mới lọt lòng căn bản đó giờ chưa từng có một bữa no, sống được đến giờ quả là kỳ tích. Hơn ai hết nó là người hiểu rõ nhất bị đói thì sẽ đau đớn bậc nào, đau đến muốn chết mà không chết được.

Liên Chi mang rau ra góc sân chỗ cái giếng con để rửa. Trước nay rau dại cỏ rừng nó cứ trực tiếp bỏ vào mồm mà nhai thôi, không phải nấu nướng cầu kỳ gì cả, nhưng giờ nó làm mẹ rồi, vẫn là học theo người ta đun đun nấu nấu chút vậy. Mình ăn được vì mình là ăn mày, bọn nhỏ dẫu có nhà nghèo thì chắc cùng không nên nỗi ăn tươi ăn sống như nó. Nhà này có tổng cộng năm đứa trẻ. Ngoài thằng cả được lão Trần tốn hai xu nhờ thầy đồ trong làng đặt cho cái tên Diệu Trai, mấy đứa còn lại là lão đi làm công nghe thấy người trên trấn gọi nhau nên về nhà bắt chước. Lần lượt gọi: Đình, Thế, Công, Văn. Lại lấy tên lót của thằng cả làm đệm, đọc thành: Diệu Trai, Diệu Đình, Diệu Thế, Diệu Công, Diệu Văn. Tên cũng thuận tai lắm.

“Cậu mà còn rửa nữa là nát hết rau đấy.”

Nó giật mình quay lại, thằng cả đã đứng sau lưng lúc nào không hay, từ trên cao nhìn xuống khiến nó có cảm giác áp bách. Nó đứng lên cũng muốn lấy chút uy thế, dù gì mình là kế mẫu cơ mà. Chẳng ngờ nó bé quá, rõ ràng gần như cùng tuổi nhưng vì ăn uống không đủ nên thấp hơn cả một cái đầu.

“Tôi chưa làm bao giờ, cậu dạy tôi nhé.”

Không gỡ gạc được chút uy phong nào, nó lại đành hạ giọng. Thằng bé lườm nó, hỏi.

“Thế cậu biết làm gì.”

Liên Chi gãi gãi đầu. Vốn là ăn mày ngoài giả vờ kêu khóc, xin xỏ, van lơn thì nó chả biết gì cả. Thằng bé ghét bỏ ném cho nó một bộ quần áo nói.

“Đi thay đi, trông có gớm không. Thay xong vào bếp tôi dạy cách nấu cơm.”

Nó nhìn bộ quần áo thằng bé ném cho mình, không phải đồ mới còn bị vá chằng vá chịt nhưng sạch sẽ. Nó cảm động hai mắt rưng rưng. Mấy năm nay ăn ngủ đầu đường xó chợ, lấy bì bố cũ người ta vứt đi mà quấn lên thân chống gió chống lạnh, đã bao giờ có bộ quần áo tử tế nào đâu. Sờ mà xem, vải mềm biết bao nhiêu, nó nằm mơ cũng không nghĩ có ngày mình cũng được mặc cái thứ gọi là quần áo. Thằng bé thấy nó khóc, không nhịn được thở dài vươn tay lau nước mắt cho nó. Thật ra, thằng bé cũng chẳng cay nghiệt gì, cũng biết nó khổ, nhưng mà nghĩ đến chuyện phải gọi đứa bằng tuổi là mẹ lại khó chịu.

“Tắm rửa sơ qua hẵng mặc, cậu hôi quá.”

Nó gật đầu như dã tỏi, ôm quần áo chạy về phía chum nước. Thằng bé lắc đầu, ngẫm kỹ lại năm anh em nhà nó còn may mắn hơn con bé này nhiều lắm. Ít ra, chúng có cha có mẹ, mặc dù mẹ mới qua đời nhưng thời gian trước cả nhà sống với nhau vô cùng vui vẻ. Không như nó, cha mẹ là ai chẳng biết, ngày ngày phải vật vã xin ăn có khi bị đánh bị mắng không bằng chó gà. Thật tội nghiệp.

Nó tắm rửa mặc quần áo đi vào bếp đã thấy thằng bé nhóm lửa xong rồi, tâm trạng vui vẻ xúm lại đòi làm giúp. Thằng bé bắt đầu dạy nó từng việc, nào là gạo dầu mắm muối để đâu, nhóm bếp canh lửa thế nào, rồi cách xào rau nấu nướng. Nó vụng về đụng chảo đụng niêu loảng xoảng thằng bé cũng không quát nạt, bảo nó cứ từ từ học, thái độ tốt lên không ít.

“Cậu với tôi xêm xêm tuổi nhau, tôi sẽ không gọi cậu là mẹ nhỏ. Nếu người ngoài hỏi tôi vẫn sẽ giữ lễ kế mẫu với cậu.”

“Ừ.”

“Việc nhà rất nhiều, cậu chịu khó học. Sau này đến vụ mùa tôi ra đồng giúp cha làm việc cậu còn phải trông mấy đứa em.”

“Ừ.”

“Thằng Văn còn bé, phải ăn sữa ngoài. Thằng Thế thằng Công đang lúc tập bò cũng phải để ý.”

“Ừ.”

Nó lắng nghe và ghi nhớ từng tý. Ngày đầu tiên nó lấy chồng cứ thế trôi qua êm đẹp.

Chiều ngã bóng, lão Trần đi làm công về mệt mỏi ra chum nước rửa tay rửa mặt. Mấy đứa con thấy cha về tíu tít vây quanh. Lão vui vẻ bước vào nhà cơm canh trên bàn đã dọn sẵn, tuy chỉ có rau dưa đạm bạc nhưng mặn nhạt vừa miệng, lão hài lòng hỏi Liên Chi.

“Con làm việc nhà có quen không?”

“Không quen lắm, trước nay con chưa làm bao giờ, nhưng cậu lớn với cô hai chỉ bảo tận tình nên con đang tập ạ.”

Lão gật gù khen hai đứa con hiểu chuyện, đứa con gái ôm tay cha cọ cọ, khoe khoang đã giúp mẹ nhỏ những gì. Lão cưng chiều xoa đầu con gái, gắp cho con bé miếng dưa muối, lại quay sang nó bảo.

“Con cũng đã là người trong nhà, ta không thể gọi con là con mãi. Từ giờ ta gọi con là Liên Chi thôi, còn con gọi ta là lão Trần cũng được.”

Nó vừa và cơm vừa gật đầu.

“Ta biết rồi.”

“Thế từ nay Liên Chi với con Đình và thằng Văn ngủ ở nhà trong nhé. Ta ngủ nhà ngoài cùng thằng cả, thằng Thế, thằng Công. Diệu Đình, mẹ nhỏ chưa biết dỗ em, buổi tối con để ý giúp mẹ nhỏ nhé.”

Con bé lớn cười tít mắt vâng dạ. Cả nhà vui vẻ tiếp tục ăn cơm.

……

Lão Trần vẫn lên trấn làm công như thường, Liên Chi cũng quen thuộc với gia đình mới, làm việc nhà xong rảnh rỗi thì dắt hai đứa sinh đôi đi dạo vòng quanh, thỉnh thoảng gặp mấy người trong làng nghe họ nói ra nói vào vài lời không hay nhưng nó không để tâm. Đối với đứa ăn mày như nó, có được một nơi đồng ý cho nó nương tựa nó đã đội ơn lắm lắm, mấy chuyện nhàn thoại kia chẳng là gì.

Thấm thoát nó ở nhà này cũng được một năm, Thằng út Diệu Văn nhờ được nó chăm sóc mà cũng khỏe mạnh rất nhiều đã bắt đầu bi bô tập nói. Hai đứa sinh đôi Diệu Thế, Diệu Công cũng cứng cáp hơn, suốt ngày rủ nhau nghịch đất trước nhà. Vụ mùa đến, Trong nhà có nó chăm lo, lão Trần với thằng cả cũng rảnh rang đi làm thuê cho người ta kiếm thêm ít đồng, cuộc sống cứ tốt lên từng chút một. Ngày nọ, trong bữa cơm lão Trần hỏi.

“Diệu Trai, con có muốn theo thầy đồ học chữ không?”

Diệu Trai bất ngờ vì câu hỏi của cha đứng hình một lúc, rồi buông đũa thưa.

“Thưa cha, con cũng muốn học chữ nhưng lại càng muốn theo cha đi làm công. Nhà ta nghèo thế này, con còn học chữ thì lấy tiền đâu ra.”

Lão Trần lắc đầu.

“Con đừng nghĩ thế. Cha làm công trên trấn thấy văn nhân tài sĩ được trọng vọng lắm. Con nhìn cha này, cả đời làm công cho người ta mà chả đủ ăn. Con cố gắng học chữ rồi tham gia khoa cử, lỡ mà không trúng bảng về làng làm một thầy đồ cũng nhàn tản cả đời. Với lại con là anh lớn, học chữ rồi dạy lại cho các em chẳng phải lời lắm sao.”

Liên Chi xới thêm cơm vào bát cho lão Trần tiếp lời.

“Cha cậu nói đúng đấy, cậu cả cứ chịu khó học hành. Tôi thấy thầy đồ trong làng dạy chữ cho học trò một tháng được tận năm tiền, mà mỗi ngày cũng chỉ dạy một buổi.”

“Nhưng tiền đóng học những một đồng bảy. Cha làm công mỗi ngày được năm, sáu quan, mỗi tháng cùng lắm được ba tiền, phí sinh hoạt không đủ, lấy đâu ra mà đóng tiền học cho ta.”

Diệu Trai nhíu mày phản bác, không phải thằng bé không thích học chữ chỉ là nhà nghèo quá, các em còn trông vào cha đi làm công từng ngày, một đồng bảy gần bằng tiền cha làm cả năm. Nó lấy đi học rồi các em ăn bằng gì. Liên Chi tiếp tục khuyên nhủ.

“Cậu cả chớ lo, hôm nay tôi nghe có một văn nhân đeo mặt nạ, hình như mới đến làng ta không lâu, đang dạy chữ miễn phí đấy.”

Mấy hôm trước bế thằng út đi chơi, dân làng kháo nhau việc thầy đồ trong làng còn muốn tiếp tục thi khoa cử nên chuyển lên huyện sống để chuyên tâm đọc sách. Cả làng đang không biết nhờ ai tiếp tục dạy chữ cho con em thì bỗng đâu một người đeo mặt nạ xuất hiện, khí chất nho nhã tựa văn nhân đồng ý dạy chữ miễn phí cho trẻ con trong làng. Đã bắt đầu dạy được mười ngày nay rồi. Lão Trần vui mừng vỗ bàn.

“Ha Ha, tốt tốt… Diệu Trai à, cơ hội tới thì nên nắm lấy. Con đừng bàn lùi nữa, cố gắng học chữ cho tốt là được rồi. Trong nhà có mẹ nhỏ và em Đình coi sóc, con cứ yên tâm. Mẹ nhỏ cũng nói một ngày thầy đồ chỉ dạy chữ một buổi, buổi còn lại con vẫn rảnh rang kia mà. Học đi con.”

Dưới sự động viên của cả nhà thằng bé đồng ý đi học chữ, lòng còn thầm hạ quyết tâm nhất định phải thi đỗ bảng vàng để gia đình có cuộc sống tốt hơn.

Nhận xét